Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

LẦN THEO TRANG VIẾT LỆ NHÒA BA ƠI!

Đặng Huy Văn: Ba tôi xuất thân trong một gia đình giàu có nhiều đời. Nhưng đến đời ông nội tôi thì chỉ còn hơn chục mẫu ruộng để ông bán dần nuôi bác tôi và ba tôi đi hoạt động chống Pháp mà thôi. Ba tôi rời trường Quốc Học Pháp Việt năm 1927, vào làm công nhân tại nhà máy Trường Thi và tham gia Đông Dương cộng sản đảng tháng 10/1929 để hoạt động chống Pháp. Tháng 5/1930, ba tôi bị mật thám Pháp bắt quả tang trong khi đang phân phát tài liệu bí mật và bị kết án 5 năm tù khổ sai qua các nhà tù Vinh, Kon Tum, Banmethuot từ 28/5/1930 đến 28/5/1935. Sau khi ra tù bị quản thúc ở địa phương mấy năm, ba tôi lại vào hoạt động tại Sài Gòn, Phnompenh, Đồng Nai, Vũng Tàu…cho đến năm 1945. Sau 1945, ba tôi được điều động ra Thanh Hóa công tác kinh qua tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung và từ 4/1949 đến 6/1952 là ủy viên thường vụ tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa.

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

CON YÊU MẸ NHẤT TRÊN ĐỜI!

Đặng Huy Văn: Ngày 2/2/2015 sắp tới đây là ngày sinh nhật làn thứ 8 của cháu ngoại Nguyễn Phúc Bảo của chúng tôi. Vậy là Tết Át Mùi này, cháu đã lên 9 tuổi. Nhớ ngày cháu mới ra đời, tôi và bà ngoại của cháu đã giành cả 4 năm trời để ẵm bế và săn sóc cháu, thậm chí còn bán cả căn nhà tại Trung Hòa-Nhân Chính đang ở để sang mua nhà tại Khu Đô Thị Việt Hưng cho gần nhà cháu để tiện bề chăm sóc. Vậy mà nay, cháu đã lên học lớp 2, cao lớn, ngoan ngoãn và rất biết kính thương ông bà nội, ngoại.

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

CHIA TAY EM TRAI NGÀY ẤY

Đặng Huy Văn: Tôi có một người em trai kém tôi hai tuổi. Ngày 20/8/1964, tôi đã chia tay em trai tôi tại thị xã Hà Tĩnh để ra Hà Nội học đại học. Tết đó vì nhà quá nghèo nên tôi không có tiền về thăm quê. Mùa hè năm Ất Tỵ, 1965, vì bom đạn ác liệt nên ba mẹ tôi lại tiếp tục không cho tôi về thăm nhà năm ấy. Cũng mùa hè đó, em trai tôi phải lên đường nhập ngũ và hơn một năm sau thì chú ấy đã hi sinh tại tuyến lửa Quảng Bình vào ngày 6/1/1967 tức ngày 26/11 năm Bính Ngọ, khi em trai tôi vừa tròn 20 tuổi!

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

HOÀNG SA TỬ SĨ AI NGƯỜI VIẾNG THĂM?

Đặng Huy Văn: Đêm qua gió mùa Đông-Bắc tràn về lạnh lắm. Tôi bỗng nghĩ tới những người lính VNCH đang nằm sâu dưới đáy biển Hoàng Sa cô đơn và lạnh lẽo. Bốn mươi mốt năm rồi không một cấp chính quyền nào nhắc tới các anh! Chính ngày hôm qua, có một chương trình TV tri ân những người lính đảo đã ngã xuống vì Tổ Quốc nhưng chỉ thấy họ nhắc tới các liệt sĩ đảo Gạc Ma chứ không thấy ai nhắc đến tên tuổi các anh ở Hoàng Sa cả! Gần như suốt đêm qua tôi đã không thể nào ngủ được.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

ĐÂU HỒN CÁ GỖ QUÊ MÌNH NGÀY XƯA?

Đặng Huy Văn: Ngày còn bé, tôi đã hiểu vì sao người ta lại gọi dân Hà Tĩnh quê tôi là dân Cá Gỗ. Ông nội tôi kể, ngày xưa quê tôi có một chàng học trò nghèo nhưng rất ham học. Chàng ra kinh kỳ dự thi nhưng không đủ tiền. Ngày ngày chàng phải vào quán mua cơm và xin một ít nước mắm vì đã có “con cá rán” mang theo. Bà chủ quán liếc qua thấy quả chàng có một con cá rán vàng ươm trông thật ngon mắt. Nhưng để khỏi bị lộ tung tích, vài ngày chàng ăn quán này, vài ngày sau chàng lại sang quán khác. Chẳng ngờ một ngày kia, chàng vào một quán nọ thì tình cờ gặp cô con gái chủ quán cơm giàu có đó để mắt và nàng quyết định chờ cho chàng ăn cơm xong sẽ đi rửa bát cho chàng. Trong lúc hai bên giằng co khi chàng không muốn tiểu thư rửa bát cho mình vì sợ bị bại lộ thì con cá rán vàng ươm đã nằm trên mặt đất. Nàng nhặt lên thì mới biết đó là một con cá gỗ! Lúc đó nàng càng thương chàng hơn và ngày ngày nàng đã giấu mẹ mang thêm thức ăn cho chàng. Nhờ tình yêu của nàng mà chàng đã thi đỗ tiến sĩ ngay trong kỳ thi đó và chàng đã được triều đình bổ nhiệm ra làm huyện quan tại một huyện lớn của tỉnh Bắc Ninh.