Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

THƯƠNG AI BÊN NÚI “ĐANG NGHÈO”


ĐẶNG HUY VĂN
(Viết tặng một người thầy văn chương của tôi)

Thương ai bên núi “Đang Nghèo”
Dưới chân Quê Bọ lưng đèo Quê Choa
Một lần Bà Huyện đi qua(1)
Dừng chân thương “cái Gia Gia” nỏ mồm…

Nỏ mồm bởi quá u buồn
Vì đâu dân tộc non sông lụy Tàu?
Mục Nam Quan đến Cà Mâu
Đi mô cũng gặp cộng Tàu nghênh ngang
Biển Đông đã cướp Trường-Hoàng
Nay sang hạ đặt giàn khoan biển mình
Dân căm phẫn đi biểu tình
Lại đưa “rô-bốt” ra hành hạ dân
Người chính trực bị bắt dần
Lấy ai bảo vệ lương dân, nước nhà?

“Thương nhà mỏi miệng…gia gia”
Phải chi tiền kiếp Huyện Bà vấn vương?
Cũng nặng lòng với văn chương
Cũng yêu đất nước, cũng thương đồng bào
Khi nghèo rau cháo cùng nhau
Khi tiền rủng rỉnh bạn bầu sẻ san
Vui khi hàng xóm bình an
Buồn khi đồng nghiệp thở than chuyện buồn
Sống ngay không biết cúi luồn
Bồi hồi trang viết thành nguồn cảm thông

Bọ vào đó chán phải không?
Phải rồi ai thích chim lồng, cá nuôi!
Nhớ khi lên mạng rong chơi
Nay đây mai đó như thời trẻ trai
Đau chân đã có đôi tay
Ngày ngày lướt web mê say yêu đời
Ở đâu dân chúng kêu trời
Bị quan cướp đất bắt người, “đi” ngay
Chỉ “đi” bằng một ngón tay
Mà quan đã rút nha sai về nhà!

“Thương nhà mỏi miệng…Gia Gia”
Gia Gia mỏi miệng ai là người thương?
Ai yêu thơ phú, văn chương
Ai yêu chính trực cương thường nghĩa nhân
Ai yêu Tổ Quốc nhân quần
Ai yêu tiếng “Bọ” quen thân quê mình
Ai yêu “Đời Cát” chông chênh
Ai yêu bài hát “Quảng Bình Quê Ta”
Đều thương đều nhớ Gia Gia
Đều yêu quí Bọ Quê Choa suốt đời!

Quê Choa Tàu đóng quân rồi(2)
Chỉ còn Quê Bọ xin mời ghé thăm
Đèo Ngang Bà Huyện Thanh Quan
Quê Choa, Quê Bọ nghìn năm hận Tàu!

Hà Nội, 19/12/2014
Đặng Huy Văn

(1). Bà Huyện Thanh Quan một lần từ Kinh Đô Huế trở ra Bắc Hà dừng chân tại Đèo Ngang (nói lái lại là Đang Nghèo) đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Qua Đèo Ngang” có những câu: “Bước đến Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá lá chen hoa/ Lơ thơ dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông rợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia…”

(2). Trung Quốc đã cho hàng vạn công nhân sang “đóng quân” tại cảng Sơn Dương, Vũng Áng ngay trên địa phận của Đèo Ngang, Hà Tĩnh. Người Hà Tĩnh của chúng tôi thường xưng “choa” có nghĩa là “chúng tôi”, nên nói “quê choa” tiếng Hà Tĩnh có nghĩa là “quê chúng tôi”. Có lẽ vì Bọ sinh ra và lớn lên ngay sát gần quê choa nên đã quen coi Quê Choa cũng là Quê Bọ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét